image banner
Danh mục câu hỏi - trả lời TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương
Lượt xem: 37
Danh mục câu hỏi - trả lời TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương
18/12/2019 | Ban biên tập
Danh mục câu hỏi - trả lời TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương, như sau:

Câu hỏi 1: Doanh nghiệp bên em trên giấy phép kinh doanh có đăng ký ngành nghề: Thiết kế hệ thống điện dân dụng và công nghiệp.Vậy giờ bên em thiết kế thi công công trình dưới 35KV vậy cần thêm chứng chỉ gì thêm nữa không ạ?

Trả lời:

Kính chào Anh/Chị.

Quý Doanh nghiệp của Anh/Chị đã có giấy phép kinh doanh trong đó có ngành nghề: Thiết kế hệ thống điện dân dụng và công nghiệp. Vậy quý Doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động điện lực lĩnh vực tư vấn đầu tư xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp dưới 35kV thì cần phải có Giấy phép hoạt động điện lực, điều kiện để cấp giấy phép hoạt động điện lực như sau:

- Là tổ chức có đội ngũ chuyên gia tư vấn, trong đó chuyên gia tư vấn chính phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện, hệ thống điện, điện kỹ thuật, thiết bị điện, tự động hóa, môi trường hoặc chuyên ngành tương tự, có kinh nghiệm công tác ít nhất 05 năm trong lĩnh vực tư vấn và đã tham gia thiết kế ít nhất một dự án đường dây và trạm biến áp với cấp điện áp tương đương và có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phù hợp.

- Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết cho việc tư vấn đầu tư xây dựng các công trình đường dây và trạm biến áp.

- Có số lượng chuyên gia tư vấn chính theo hạng công trình đường dây và trạm biến áp như sau:

Hạng 4: Có 05 chuyên gia trở lên.

Các điều kiện nêu trên được quy định tại Điều 41 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Khoản 10 Điều 6 và Khoản 10 Điều 7 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ về Sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Trình tự, thủ tục Cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực được quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BCT ngày 16/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Trân trọng! 

Câu hỏi 2: Tổ chức Tư vấn quản lý dự án đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp dưới 35kv có bắt buộc phải có giấy phép hoạt động điện lực hay không?

Theo Khoản 2, Điều 38 Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 có quy định"Tùy theo trình độ năng lực chuyên môn, tổ chức hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng công trình điện có thể đăng ký một hoặc nhiều hoạt động: Lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật thi công, đấu thầu cho công trình nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, đường dây và trạm biến áp". 

Theo Khoản 7, Điều 6 Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 có sửa đổi "Hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực bao gồm: Tư vấn đầu tư xây dựng công trình điện (không bao gồm hoạt động lập dự án đầu tư, đấu thầu công trình điện) và tư vấn giám sát thi công các công trình điện (bao gồm nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, đường dây và trạm biến áp)"

Như vậy, hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực có bao gồm hoạt động Tư vấn quản lý dự án không? Tổ chức hoạt động tư vấn quản lý dự án chuyên ngành điện có bắt buộc phải có giấy phép hoạt động điện lực không?

Trả lời:

Các lĩnh vực hoạt động phải có giấy phép hoạt động điện lực được quy định tại Điều 1, Thông tư số 36/2018/TT-BCT ngày 16/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về Quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực cụ thể như sau:

"Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực trong các lĩnh vực sau đây:

1. Tư vấn chuyên ngành điện lực

a) Tư vấn đầu tư xây dựng công trình điện, bao gồm: Nhiệt điện (trong đó có điện sinh khối, nhà máy điện sử dụng chất thải rắn), thủy điện và các dạng năng lượng tái tạo khác; đường dây và trạm biến áp;

b) Tư vấn giám sát thi công công trình điện, bao gồm: Nhiệt điện (trong đó có điện sinh khối, nhà máy điện sử dụng chất thải rắn), thủy điện và các dạng năng lượng tái tạo khác; đường dây và trạm biến áp.

2. Phát điện.

3. Truyền tải điện.

4. Phân phối điện.

5. Bán buôn điện.

6. Bán lẻ điện.".

Bên cạnh đó, tại Khoản 7, Điều 6 Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương có quy định "Hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực bao gồm: Tư vấn đầu tư xây dựng công trình điện (không bao gồm hoạt động lập dự án đầu tư, đấu thầu công trình điện) và tư vấn giám sát thi công các công trình điện (bao gồm nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, đường dây và trạm biến áp)"

Trên cơ sở các quy định nêu trên thì Tổ chức Tư vấn quản lý dự án đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35kV không bắt buộc phải có giấy phép hoạt động điện lực.

Tuy nhiên, tại Khoản 19 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 57 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP quy định những ngành nghề phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng như sau:

"19. Sửa đổi, bổ sung Điều 57 như sau:

"Điều 57. Quy định chung về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

1. Tổ chức khi tham gia các lĩnh vực sau đây phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng:

a) Khảo sát xây dựng;

b) Lập quy hoạch xây dựng;

c) Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình;

d) Lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng;

đ) Tư vấn quản lý dự án;

e) Thi công xây dựng công trình;

g) Giám sát thi công xây dựng;

h) Kiểm định xây dựng;

i) Quản lý chi phí đầu tư xây dựng".

Do Tổ chức Tư vấn quản lý dự án mà ông Chu Đức Thắng đề cập hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn quản lý dự án đường dây và trạm biến áp nên thuộc đối tượng phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng theo quy định tại điểm (đ) nêu trên.

Theo đó, Tổ chức Tư vấn quản lý dự án cần đáp ứng các điều kiện chung được quy định tại Điểm 2, Khoản 19 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng để được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng như sau:

"2. Điều kiện chung để được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng:

a) Có giấy đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

b) Những cá nhân đảm nhận chức danh chủ chốt phải có hợp đồng lao động với tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng;

c) Đối với các dự án, công trình có tính chất đặc thù như: Nhà máy điện hạt nhân, nhà máy sản xuất hóa chất độc hại, sản xuất vật liệu nổ, những cá nhân đảm nhận chức danh chủ chốt thì ngoài yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề tương ứng với loại công việc thực hiện còn phải được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án".

Ông Thắng cần lưu ý, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng có hiệu lực tối đa trong thời hạn 05 năm. Doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp lại khi chứng chỉ năng lực hết hiệu lực hoặc khi có nhu cầu. Trường hợp có thay đổi nội dung chứng chỉ năng lực phải làm thủ tục cấp lại trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có thay đổi. 

Trên đây là nội dung trả lời của Sở Công Thương cho câu hỏi của ông Chu Đức Thắng.

Trân trọng./.

Câu hỏi 3. Công ty vừa qua có thi công, công trình điện nay nghiệm thu điện lực yêu cầu cung cấp giấy phép hoạt động điện lực. vậy đơn vị thi công có phải làm giấy phép hoạt động điện lực ko? cám ơn!

Trả lời:

Kính gửi Quý Doanh nghiệp!

Theo nội dung khoản 1 Điều 3 Luật Điện lực 2004 thì "Hoạt động điện lực là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan" do đó xây dựng công trình điện không được coi là hoạt động điện lực.

 Theo nội dung Điều 2 Thông tư số 36/2018/TT-BCT ngày 16/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực, Giấy phép hoạt động điện lực được cấp cho tổ chức, cá nhân tham gia các lĩnh vực hoạt động điện lực sau:

"Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực trong các lĩnh vực: Tư vấn chuyên ngành điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện."

 Như vậy, xây dựng công trình điện không phải là hoạt động điện lực và đơn vị thi công xây dựng công trình điện không cần phải có giấy phép hoạt động điện lực. Trân trọng./.

Câu hỏi 4. Để tận dụng triệt để phần diện tích mái nhà xưởng sản xuất cảu công ty. Công ty em đang muốn đầu tư lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời để bán điện lại cho điện lực Cần Giuộc (Công ty Điện lực Long An) dự kiến công suất khoản 2,5MWP trên địa bàn tỉnh Long An; Theo em được biết muốn phát điện phải có giấy phép hoạt động lĩnh vực phát điện. Em nhờ anh chị tư vấn giùm em thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, lệ phí cấp giấy, và các thủ tục có liên quan … để Công ty em có thể triển khai thực hiện việc phát điện lên lưới điện quốc gia. Em chân thành cảm ơn anh chị!

Trả lời:

Kính thưa quý Công ty phải có việc giấy phép hoạt động phát điện do Sở Công Thương Long An cấp Cấp giấy phép hoạt động phát điện đối với các nhà máy điện có quy mô dưới 3MW đặt tại địa phương, cụ thể như sau:

- Tổ chức nộp hồ sơ cấp giấy phép hoạt động phát điện đối với các nhà máy điện có quy mô dưới 3MW đặt tại địa phương tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An. Địa chỉ: Tầng 2 - Khối nhà cơ quan 4, Khu Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh Long An; Đường song hành, Quốc lộ tránh 1A, Phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An (nộp hồ sơ trực tiếp hoặc  nộp qua đường bưu điện, bưu chính công ích)

- Thành phần hồ sơ (01 bộ) bao gồm:

+ Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 36/2018/TT-BCT ngày 16/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

+ Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ trưởng ca nhà máy điện theo Mẫu 3b tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 36/2018/TT-BCT ngày 16/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; bản sao bằng tốt nghiệp, thẻ an toàn điện và giấy chứng nhận vận hành được cấp điều độ có quyền điều khiển cấp cho đội ngũ trưởng ca theo Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban hành.

+ Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư, chủ trương đầu tư nhà máy điện của cơ quan có thẩm quyền.

+ Bản sao Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc văn bản xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường dự án đầu tư nhà máy điện của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về môi trường.

+ Bản sao Hợp đồng mua bán điện.

+ Danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và cam kết của chủ đầu tư thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật trong việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

+ Bản sao Biên bản nghiệm thu về hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

+ Bản sao quyết định phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa của cơ quan có thẩm quyền (đối với nhà máy thủy điện).

+ Bản sao Quy trình phối hợp vận hành nhà máy điện với Đơn vị Điều độ hệ thống điện.

+ Bản sao biên bản nghiệm thu hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông phục vụ vận hành thị trường điện theo quy định; bản sao biên bản nghiệm thu hệ thống SCADA phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện theo quy định.

+ Bản sao biên bản nghiệm thu đập thủy điện; bản đăng ký an toàn đập gửi cơ quan có thẩm quyền; phương án bảo đảm an toàn đập và bảo đảm an toàn vùng hạ du đập theo quy định; báo cáo kết quả kiểm định đập (đối với đập thủy điện đã đến kỳ kiểm định).

- Thời hạn giải quyết: (Mười ba) 13 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

- Phí, lệ phí: 2.100.000 đồng. (Thông tư số 167/2016/TT-BTC).

- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

+ Có dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực được duyệt. Các hạng mục công trình nhà máy điện được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế được phê duyệt, được kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định.

+ Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, vận hành phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện hoặc kỹ thuật phù hợp và có thời gian làm việc trong lĩnh vực phát điện ít nhất 05 năm. Người trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành phù hợp, được đào tạo về an toàn, được đào tạo và cấp chứng chỉ vận hành nhà máy điện, thị trường điện theo quy định.

+ Có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống điều khiển giám sát, thu thập dữ liệu phù hợp với yêu cầu của hệ thống điện và thị trường điện lực theo quy định của pháp luật.

+ Các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật.

+ Có báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án phát điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp nhận, phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

+ Có hệ thống phòng cháy và chữa cháy của nhà máy điện được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu theo quy định của pháp luật.

+ Có quy trình vận hành hồ chứa đối với nhà máy thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

+ Các tài liệu pháp lý về an toàn đập thủy điện đối với nhà máy thủy điện theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 5: Kính thư các anh chị, em tên Nguyễn Ánh Minh hiện đang công tác tại công ty Điện lực Long An, khoản 1 tuần trước em có đi công tác em có đánh rơi giấy tờ tùy thân gồm chứng minh thư, giấy phép lái xe hạng A và B2 trong đó có thẻ kiểm tra viên điện lực do Giám đốc Sở Công Thương cấp ngày 30/10/2018, em có làm cớ mất gửi các đơn vị liên quan. Em kính nhờ anh chị tư vấn em trình tự thủ tục cấp lại thẻ Kiểm tra viên điện lực. Em trân trọng cảm ơn.

Trả lời:

Kính thưa anh Nguyễn Ánh Minh, trong trường hợp này việc Cấp lại thẻ Kiểm tra viên điện lực thuộc thẩm quyền của Sở Công thương cấp, cụ thể như sau:

Cá nhân nộp hồ sơ cấp lại thẻ Kiểm tra viên điện lực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An. Địa chỉ: Tầng 2 - Khối nhà cơ quan 4, Khu Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh Long An; Đường song hành, Quốc lộ tránh 1A, Phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An (nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp hồ sơ qua đường bưu điện, dịch vụ công ích).

Thành phần hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp lại thẻ của đơn vị quản lý Kiểm tra viên điện lực;

- Đơn đề nghị cấp lại thẻ của Kiểm tra viên điện lực;

- 02 ảnh cỡ 2 x 3 cm;

- Thẻ Kiểm tra viên điện lực đối với trường hợp thẻ bị hỏng.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Phí, Lệ phí: Không.

Điều kiện chung:

- Được đào tạo về chuyên ngành điện, đã được bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Nắm vững các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật điện, an toàn điện, các quy định về công tác kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện; có khả năng nghiên cứu, phát hiện, phân tích, tổng hợp và đề xuất biện pháp giải quyết theo chức năng của công tác kiểm tra.

- Đủ sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh và khách quan.

Điều kiện riêng:

- Kiểm tra viên điện lực cấp huyện phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

+ Có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành điện.

+ Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện hoặc làm công tác quản lý kỹ thuật, kinh doanh điện từ 03 năm trở lên.

+ Được bố trí công tác tại phòng chuyên môn có chức năng theo dõi về các hoạt động trong lĩnh vực điện lực tại thời điểm đề nghị cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực.

+ Đã được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước.

- Kiểm tra viên điện lực của đơn vị điện lực thuộc địa bàn tỉnh:

+ Có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành điện đối với Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện; có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành điện hoặc là công nhân kỹ thuật điện từ bậc 5/7 trở lên đối với Kiểm tra viên điện lực của đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện.

+ Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối, kinh doanh điện từ 03 năm trở lên.

Câu hỏi 6: Làm sao để phân biệt được loại hình sản xuất như thế nào là sản xuất rượu công nghiệp và như thế nào là sản xuất rượu thủ công? Theo quy định hiện hành, cơ quan nào thực hiện cấp phép sản xuất rượu?

Trả lời:

1. Theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu:

- Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu trên dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp.

- Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp.

2. Theo quy định tại Điều 25 của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, thẩm quyền cấp giấy phép cụ thể như sau:

- Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên và Giấy phép phân phối rượu;

- Sở Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 03 triệu lít/năm và Giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép bán lẻ rượu và Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thì có quyền cấp sửa đổi, bổ sung và cấp lại giấy phép đó.

Câu hỏi 7: Trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép sản xuất rượu công nghiệp và rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có bao gồm Bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật). Xin hỏi thủ tục này được thực hiện theo hướng dẫn tại quy định nào?

Trả lời:

Việc công bố sản phẩm rượu được thực hiện theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Theo quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bao gồm sản xuất rượu) thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (sau đây gọi chung là sản phẩm) trừ các sản phẩm quy định tại khoản 2 Điều này và Điều 6 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và nộp 01 (một) bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Sở Công Thương để theo dõi.

Hồ sơ, trình tự tự công bố sản phẩm được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 5 của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ.

Câu hỏi 8:  Điều kiện để thành lập cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cần phải thỏa những điều kiện nào? Việc thực hiện thủ tục thành lập cụm công nghiệp được thực hiện trước hay sau khi có quyết định chủ trương đầu tư?

Trả lời:

1. Tại Khoản 1, Điều 10 của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, có quy định điều kiện thành lập cụm công nghiệp như sau:

a) Có trong Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đã được phê duyệt;

b) Có doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật;

c) Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp nhỏ hơn 50 ha.

2. Đối với cụm công nghiệp được quyết định thành lập, mở rộng theo thủ tục, quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP thì dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư (Khoản 1, Điều 10 của Thông tư số 15/2017/TT-BCT ngày 31/8/2017 của Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp).

Câu hỏi 9: Những nội dung cần phải thực hiện để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm?

Trả lời:

 Để thực hiện Thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm doanh nghiệp cần phải thực hiện những nội dung sau:

- Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị Xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Long An; thứ 5 hàng tuần (8h 30) có tổ chức thi kiểm tra Xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm tại Sở Công Thương Long An.

- Thực hiện Khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm tại trung tâm y tế cấp quận, huyện trở lên.

- Sau khi có Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm thì doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Long An.

- Sau khi tổ chức thẩm định và kiểm tra điều kiện thực tế đạt thì sẽ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, doanh nghiệp sẽ nhận Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Long An.

Ghi chú:

 - Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Long An: Tầng 2, Khối nhà cơ quan 4, Khu trung tâm chính trị - hành chính, đường Song Hành, QL1A, Phường 2, Tp. Tân An, tỉnh Long An

- Sở Công Thương Long An: 112 Cách mạng tháng Tám, Phường 1, Tp. Tân An, tỉnh Long An.

- Thành phần hồ sơ:

https://dichvucong.longan.gov.vn

Câu hỏi 10: Thủ tục Xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm có thời hạn bao lâu?

Trả lời:

 - Tiếp nhận, thông báo hồ sơ hợp lệ và thời gian kiểm tra kiến thức: 10 (mười) ngày làm việc (kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ)

- Cấp Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm: 03 (ba) ngày làm việc (kể từ ngày tổ chức kiểm tra kiến thức đối với những người đã đạt trên 80% số câu trả lời đúng).

Câu hỏi 11: Thời gian giải quyết Thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm?

Trả lời:

- Trường hợp thẩm định thực tế tại cơ sở "Đạt": 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Trường hợp thẩm định thực tế tại cơ sở "Chờ hoàn thiệt": 25 (hai mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Câu hỏi 12: Doanh nghiệp hiện đang sản xuất những mặt hàng của ngành công thương quản lý (bánh, kẹo, nước giải khát..), hiện tại doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất thêm mặt hàng rau củ quả (thuộc quản lý ngành nông nghiệp) thì doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan quản lý nào?

Trả lời: Căn cứ theo Điều 36 của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 thì doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ theo quy định của ngành công thương.

Câu hỏi 13: Hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại Nghị định 113/2017/BĐ-CP bao gồm những tài liệu nào?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 4, Điều 34 của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ thì hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất gồm 05 tài liệu sau:

1. Nội dung huấn luyện;

2. Danh sách người được huấn luyện với các thông tin: Họ tên, ngày tháng năm sinh, chức danh, vị trí làm việc, chữ ký xác nhận tham gia huấn luyện;

3. Thông tin về người huấn luyện bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, trình độ học vấn, chuyên ngành được đào tạo, kinh nghiệm công tác, kèm theo các tài liệu chứng minh;

4. Nội dung và kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất;

5. Quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất của tổ chức, cá nhân.

Câu hỏi 14: Nội dung Phiếu an toàn hóa chất gồm nhưng thông tin gì?

Trả lời:

Nội dung Phiếu an toàn hóa chất gồm 16 mục yêu cầu bắt buộc được quy định tại Phục lục 9 của Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ Công Thương Quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Lưu ý: Vị trí thứ tự của 16 mục yêu cầu bắt buộc trong phiếu An toàn hóa chất không nhất định phải theo thứ tự như trong Phụ lục 9.

Câu hỏi 15: Hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp là hóa chất gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ thì hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp bao gồm:

a) Đối với đơn chất: Là chất có trong Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ.

b) Đối với hỗn hợp chất: Là các hỗn hợp chất chứa các chất có trong Phụ lục I; hỗn hợp chất chứa các chất có trong Phụ lục II mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 14 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Đồng thời các hỗn hợp chất trên được phân loại theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP thuộc ít nhất một trong các nhóm phân loại sau đây:

- Nguy hại vật chất cấp 1, 2, 3 hoặc kiểu A, B, C và D;

- Độc cấp tính (theo các đường phơi nhiễm khác nhau) cấp 2, 3;

- Tổn thương nghiêm trọng, kích ứng mắt cấp 1, 2/2A;

- Ăn mòn, kích ứng da cấp 1, cấp 2;

- Tác nhân gây ung thư, đột biến tế bào mầm, độc tính sinh sản cấp 2;

- Nguy hại môi trường cấp 1.

Câu hỏi 16: Trường hợp nào được cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp?

Trả lời:

Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được cấp lại trong các trường hợp sau:

- Bị mất Giấy chứng nhận,

- Sai sót thông tinh trong Giấy chứng nhận,

- Giấy chứng nhận bị hư hỏng

- Có thay đổi về thông tin đăng ký thành lập của tổ chức, cá nhân trong Giấy chứng nhận

Câu hỏi 17: Trường hợp nào được cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp?

Trả lời:

Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được cấp điều chỉnh trong các trường hợp sau:

- Có thay đổi địa điểm cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất;

- Có thay đổi loại hình, quy mô, chủng loại hóa chất sản xuất, kinh doanh

Câu hỏi 18: Đối tượng nào phải lập hồ sơ đề nghị huấn huyện và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm?

Trả lời:

Là người điều kiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm.

Câu hỏi 19: Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai, trạm nạp LPG vào xe bồn gồm những tài liệu nào?

Trả lời:

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận bao gồm:

- Giấy đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp (theo Mẫu số 07 tại Phụ lục kèm theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP).

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh.

- Tài liệu chứng minh trạm nạp được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng.

- Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.

Câu hỏi 20: Công ty có trụ sở và kho hàng tại Long An, Công ty có kế hoạch thực hiện chương trình khuyến mại tặng quà cho khách hàng dịp cuối năm. Khi khách mua hàng Công ty sẽ tặng quà và vận chuyển hàng hóa về kho của khách hàng. Khách hàng của Công ty có trụ sở tại 13 tỉnh/thành đồng bằng sông Cửu Long. Vậy Công ty có phải gửi thông báo hoạt động khuyến mại đến Sở Công Thương 13 tỉnh/thành đồng bằng sông Cửu Long hay không? 

Trả lời:

- Khoản 1 Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại quy định hình thức khuyến mại tặng hàng hóa thương nhân phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại đến tất cả các Sở Công Thương nơi tổ chức khuyến mại (tại địa bàn thực hiện khuyến mại) trước khi thực hiện chương trình khuyến mại.

- Địa bàn thực hiện khuyến mại là nơi thương nhân tổ chức bán hàng khuyến mại, nơi mà khách hàng đến mua hàng, đến sử dụng dịch vụ và được hưởng khuyến mại. Địa bàn khuyến mại không phải địa chỉ của khách hàng.

Do vây, Công ty chỉ cần thực hiện thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại đến Sở Công Thương tỉnh Long An, không phải gửi thông báo hoạt động khuyến mại đến Sở Công Thương 13 tỉnh/thành đồng bằng sông Cửu Long.

Câu hỏi 21 Công ty có trụ sở và kho hàng tại Long An, Công ty có kế hoạch thực hiện chương trình khuyến mại tặng quà cho khách hàng dịp cuối năm với tổng giá trị quà tặng là 750.000.000 triệu đồng. Khách hàng của Công ty có trụ sở tại 13 tỉnh/thành đồng bằng sông Cửu Long, như vậy tổng giá trị quà tặng mỗi tỉnh thành là 50 triệu đồng. Theo quy định của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ thì thương nhân thực hiện các chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo thực hiện khuyến mại. Vậy Công ty chúng tôi có phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại hay không?

Trả lời:

- Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 17 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xúc tiến thương mại quy định thương nhân thực hiện các chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại.

- Quy định này là áp dụng đối với tổng giá trị giải thưởng của 01 chương trình khuyến mại, không phân biệt thương nhân thực hiện trên địa bàn 01 tỉnh hay nhiều tỉnh, thành phố.

Do vậy Công ty phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại.

Câu hỏi 22: Công ty có kế hoạch thực hiện chương trình khuyến mại với tổng giá trị khuyến mại dưới 100 triệu. Theo quy định của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ thì Công ty không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại với Sở Công Thương. Như vậy, khi cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra hoặc quyến toán thuế, Công ty cần cung cấp những chứng từ, giấy tờ nào để chứng minh tổng giá trị khuyến mại của Công ty dưới 100 triệu đồng?

Trả lời:

- Khoản 2 Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định các trường hợp không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo thực hiện khuyến mại khi khuyến mại theo các hình thức quy định tại khoản 8 Điều 92 Luật Thương mại và các Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 14 Nghị định này, trong đó có trường hợp "Thương nhân thực hiện các chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng". Do vậy, đối với một chương trình khuyến mại dưới 100 triệu thì Công ty không cần phải thực hiện thủ tục thông báo khuyến mại đến Sở Công Thương.

- Khi thực hiện các chương trình khuyến mại, thương nhân có trách nhiệm lưu trữ và chịu trách nhiệm về các chứng từ, tài liệu có liên quan đến việc thực hiện chương trình khuyến mại như Kế hoạch khuyến mại, hóa đơn mua hàng khuyến mại… để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Câu hỏi 23: Chi nhánh tại tỉnh Long An hoạt động theo ủy quyền của Công ty có trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội, Chi nhánh tại tỉnh Long An có được thực hiện chương trình khuyến mại riêng cho Chi nhánh và lập thủ tục hành chính (người đại diện Chi nhánh ký tên và đóng dấu Chi nhánh) thông báo hoạt động khuyến mại với Sở Công Thương tỉnh Long An hay không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 91 Luật Thương mại quy định: "Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền tự tổ chức khuyến mại hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại cho mình"

Do vậy Chi nhánh được thực hiện chương trình khuyến mại riêng và được lập thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại với Sở Công Thương.

Câu hỏi 24. Công ty kinh doanh rượu có trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội và có Chi nhánh tại tỉnh Long An. Công ty đã được Sở Công Thương Thành phố Hà Nội cấp cấp Giấy phép bán buôn rượu (trong đó có bán lẻ) tại Thành phố Hà Nội, Vậy Chi nhánh tại tỉnh Long An có được cấp riêng Giấy phép bán lẻ rượu và lập thủ tục hành chính (người đại diện Chi nhánh ký tên và đóng dấu Chi nhánh) cấp Giấy phép bán lẻ rượu hay không?

Trả lời:

- Tại Điều 11 và Điều 18 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu quy định  "điều kiện phân phối" và "quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ" thì thương nhân phân phối rượu mới được bán lẻ rượu trên phạm vi địa bàn 02 tỉnh.

- Khoản 1, Điều 45 Luật Doanh nghiệp quy định: "Chi nhánh, là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền". Bộ Luật dân sự tại Khoản 1, 2 Điều 84 quy định: "Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân; Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân".

Do vậy Chi nhánh tại tỉnh Long An không được cấp riêng Giấy phép bán lẻ rượu và lập thủ tục hành chính cấp Giấy phép bán lẻ rượu.

Câu hỏi 25: Công ty kinh doanh rượu có trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội và có Chi nhánh tại tỉnh Long An. Công ty đã được Sở Công Thương Thành phố Hà Nội cấp cấp Giấy phép bán buôn rượu (trong đó có bán lẻ) tại Thành phố Hà Nội, Công ty phải thực hiện thủ tục nào để được cấp phép bán lẻ rượu tại Chi nhánh tại tỉnh Long An.

Trả lời:

Tại Điều 11 và Điều 18 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu quy định  "điều kiện phân phối" và "quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ" thì thương nhân phân phối rượu mới được bán lẻ rượu trên phạm vi địa bàn 02 tỉnh.

Do vậy, Công ty lập thủ tục đề nghị cấp Giấy phép phân phối rượu (trong đó có bán lẻ tại Chi nhánh tại tỉnh Long An).

Điều kiện, hồ sơ và thẩm quyền cấp Giấy phép phân phối rượu được quy định tại Điều 11, 21 và Điều 25 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu

Câu hỏi 26: Công ty là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (đã có giấy phép đầu tư và giấy đăng ký doanh nghiệp), Công ty phải đáp ứng điều kiện gì để cấp Giấy phép kinh doanh cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp?

Trả lời:

Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 09 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết Luật thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm:

1. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa

a) Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

b) Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

c) Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

2. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

a) Điều kiện quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này;

b) Đáp ứng tiêu chí sau:

- Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;

- Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;

- Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;

- Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

3. Trường hợp dịch vụ kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp hàng hóa kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí

a) Điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Đối với hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn: Xem xét cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thực hiện một trong các hoạt động sau:

- Sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam;

- Sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.

c) Đối với hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí: Xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.

Câu hỏi 27: Công ty là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy đăng ký doanh nghiệp, Công ty cần chuẩn bị những giấy tờ gì để làm thủ tục cấp giấy phép kinh doanh cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp?

Trả lời:

Hồ sơ cấp đề nghị Giấy phép kinh doanh cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 12 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết Luật thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 09/2018/NĐ-CP).

2. Bản giải trình có nội dung:

a) Giải trình về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh tương ứng theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;

b) Kế hoạch kinh doanh: Mô tả nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh; trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của kế hoạch kinh doanh;

c) Kế hoạch tài chính: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính;

d) Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh, trong trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này.

3. Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.

4. Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).

Câu hỏi 28: Công ty là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, Công ty đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy đăng ký doanh nghiệp, được thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu và bán buôn một số mặt hàng điện máy, đồ gia dụng, do nhu cầu thị trường và mở rộng kinh doanh, nên Công ty muốn bổ sung một mặt hàng mới để thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu và bán buôn. Vậy Công ty có phải xin cấp Giấy phép kinh doanh hay không:

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý Ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong trường hợp Công ty nhập khẩu, bán buôn hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn, Công ty phải được cấp Giấy phép kinh doanh

Trường hợp Công ty thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu và quyền phân phối bán buôn các hàng hóa khác, không thuộc danh mục cấm, danh mục hạn chế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Công ty không phải có cấp Giấy phép kinh doanh, Công ty chỉ  cần đăng ký thực hiện các hoạt động này tại các Giấy tờ có liên quan theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy đăng ký doanh nghiệp).

Câu hỏi 29: Công ty có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đã được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Nay Công ty mở rộng hoạt động kinh doanh tại tỉnh Long An. Vậy Công ty phải thực hiện thủ tục gì để được hoạt động kinh doanh tại tỉnh Long An?

Trả lời:

- Tại Điều 19 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp quy định:

"Doanh nghiệp bán hàng đa cấp được coi là có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện có thực hiện chức năng liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.

2. Doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa phương.

3. Doanh nghiệp có người tham gia bán hàng đa cấp cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú) hoặc thực hiện hoạt động tiếp thị, bán hàng theo phương thức đa cấp tại địa phương."

- Tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định: "Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bằng văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó."

- Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương được quy định tại Điều 21 của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

THÔNG BÁO MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1