image banner
Danh mục câu hỏi - trả lời TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Lượt xem: 48
Danh mục câu hỏi - trả lời TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
18/12/2019 | Ban biên tập
Danh mục câu hỏi - trả lời TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, như sau:

Câu hỏi 1. Thủ tục giải quyết hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa thì như thế nào?

Trả lời:

Cá nhân viết bản khai (Mẫu HH1 Thông tư số 05). Gửi bản khai kèm theo một trong các giấy tờ, tài liệu quy định gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Một trong những giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học: Quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy X Y Z; giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học được xác lập từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước.

- Bản sao: Lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân, Huân chương, Huy chương chiến sĩ giải phóng.

- Bản sao một trong các giấy tờ: Lý lịch công an nhân dân; hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; hồ sơ khen thưởng tổng kết thành tích tham gia kháng chiến; hồ sơ, giấy tờ khác có giá trị pháp lý được lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2000.

- Giấy xác nhận của cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng về phiên hiệu, ký hiệu, thời gian và địa bàn hoạt động của đơn vị.

- Bản tóm tắt bệnh án Điều trị nội trú của bệnh viện công lập từ tuyến huyện trở lên.

- Bản tóm tắt quá trình Điều trị ngoại trú của bệnh viện công lập từ tuyến huyện trở lên hoặc Bản tóm tắt quá trình Điều trị ngoại trú của Phòng khám Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh.

* Các trường hợp sau đây không cần kèm theo bệnh án:

Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dẫn đến vô sinh theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền do Bộ Y tế quy định.

Người hoạt động kháng chiến không có vợ (chồng) hoặc có vợ (chồng) nhưng không có con hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến, sau khi trở về không sinh thêm con, nay đã hết tuổi lao động (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi) được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học không mắc bệnh theo quy định nhưng sinh con dị dạng, dị tật được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

Người hoạt động kháng chiến bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính, chỉ cần có giấy tờ có giá trị pháp lý được xác lập trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 ghi nhận mắc bệnh thuộc nhóm bệnh thần kinh ngoại biên.

Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được bản khai, có trách nhiệm xác nhận các yếu tố trong bản khai, lập danh sách đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học kèm giấy tờ quy định gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách người đủ điều kiện kèm giấy tờ quy định gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, giới thiệu (kèm bản sao hồ sơ) ra Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.

Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh khám giám định, lập biên bản giám định bệnh, tật; dị dạng, dị tật chuyển Sở Y tế kèm hồ sơ để cấp giấy chứng nhận bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học; dị dạng, dị tật do ảnh hưởng của chất độc hóa học.

Sở Y tế trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học; giấy chứng nhận dị dạng, dị tật do ảnh hưởng của chất độc hóa học và chuyển Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kèm hồ sơ;

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ do Sở Y tế chuyển đến, có trách nhiệm ra quyết định trợ cấp, phụ cấp đối với những trường hợp đủ điều kiện.

Câu hỏi 2. Thủ tục giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày thì như thế nào?

Trả lời:

Cá nhân lập bản khai (Mẫu TĐ1) và đính kèm giấy tờ liên quan gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

- Bản sao một trong các giấy tờ: Lý lịch cán bộ, lý lịch Đảng viên (lập từ ngày 01/01/1995 trở về trước); hồ sơ hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội có xác định nơi bị tù, thời gian bị tù.

-  Bản sao một trong các giấy tờ: lý lịch quân nhân, lý lịch công an nhân dân (lập từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở về trước); hồ sơ khen thưởng tổng kết thành tích tham gia kháng chiến; hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;

- Bản sao giấy tờ, tài liệu khác có giá trị pháp lý lập từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở về trước.

- Xác nhận của cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về thời gian tù và nơi bị tù.

Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được bản khai, có trách nhiệm xác nhận, lập danh sách kèm bản khai gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ quy định gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định, có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, đối chiếu hồ sơ hoặc quyết định trợ cấp một lần để ra quyết định trợ cấp hàng tháng.

* Trường hợp người bị địch bắt tù, đày trước đây đã hưởng trợ cấp một lần, nay chuyển đến địa phương khác cư trú thì phải làm thủ tục di chuyển hồ sơ hoặc quyết định trợ cấp một lần đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cư trú hiện tại để làm thủ tục hưởng trợ cấp hàng tháng.

Câu hỏi 3. Thủ tục giải quyết chế độ người có công giúp đỡ cách mạng thì như thế nào?

Trả lời:  

Cá nhân lập bản khai (Mẫu CC1 Thông tư số 05). Gửi bản khai kèm theo bản sao một trong các giấy tờ quy định gửi UBND cấp xã.

+ Bản khai cá nhân (Mẫu CC1).

+ Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công", Bằng "Có công với nước", Huân chương Kháng chiến, Huy chương kháng chiến, Quyết định khen thưởng.

* Trường hợp người có công giúp đỡ cách mạng có tên trong hồ sơ khen thưởng nhưng không có tên trong bằng "Có công với nước", Huân chương, Huy chương kháng chiến của gia đình thì kèm theo giấy xác nhận của cơ quan Thi đua - Khen thưởng cấp huyện.

 * Trường hợp Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước" hoặc Huân chương, Huy chương Kháng chiến khen tặng cho gia đình, ghi tên nhiều người thì mỗi người lập một bộ hồ sơ riêng.

Trường hợp người có công giúp đỡ cách mạng có tên trong hồ sơ khen thưởng nhưng không có tên trong Bằng "Có công với nước", Huân chương, Huy chương Kháng chiến của gia đình thì kèm theo giấy xác nhận của cơ quan Thi đua - Khen thưởng cấp huyện.

Trường hợp Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước" hoặc Huân chương, Huy chương Kháng chiến khen tặng cho gia đình, ghi tên nhiều người thì mỗi người lập một bộ hồ sơ riêng.

Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận và lập danh sách kèm giấy tờ quy định gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ quy định gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra và ra quyết định trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần.

Câu hỏi 4. Thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ như thế nào?

Trả lời:  

Người thờ cúng liệt sĩ lập hồ sơ theo quy định (Đơn và giấy ủy quyền hoặc Biên bản họp thân tộc) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

+ Biên bản ủy quyền (Mẫu UQ) trong các trường hợp:

. Trường hợp người thờ cúng liệt sĩ chết hoặc không tiếp tục thờ cúng liệt sĩ thì cá nhân khác được gia đình, họ tộc của liệt sĩ ủy quyền thờ cúng liệt sĩ thực hiện thủ tục theo quy định.

. Trường hợp liệt sĩ có nhiều con thì người thờ cúng liệt sĩ là một người con được những người con còn lại ủy quyền; nếu liệt sĩ chỉ có một con hoặc chỉ còn một con còn sống thì không phải lập biên bản ủy quyền.

. Trường hợp con liệt sĩ có nguyện vọng giao người khác thực hiện thờ cúng liệt sĩ thì người thờ cúng là người được con liệt sĩ thống nhất ủy quyền.

. Trường hợp liệt sĩ không có hoặc không còn con hoặc có một con duy nhất nhưng người con đó bị hạn chế năng lực hành vi, mất năng lực hành vi, cư trú ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú thì người thờ cúng là người được gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ ủy quyền).

Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm tổng hợp, lập danh sách kèm giấy tờ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ gốc của liệt sĩ đang quản lý, ra quyết định trợ cấp thờ cúng.

Câu hỏi 5. Thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng như thế nào?

Trả lời:

* Trường hợp được phong tặng:

Bà mẹ VNAH lập bản khai cá nhân kèm bản sao quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.

Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày có trách nhiệm xác nhận bản khai, kèm bản sao quyết định phong tặng gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày có trách nhiệm lập danh sách kèm bản khai cá nhân và bản sao quyết định phong tặng gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm ra quyết định phụ cấp hàng tháng và  trợ cấp người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

* Trường hợp được truy tặng:

Đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng lập bản khai kèm bản sao quyết định truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt nam anh hùng" gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;

Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ quy định, có trách nhiệm xác nhận bản khai kèm bản sao quyết định truy tặng gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội;

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm lập danh sách kèm các giấy tờ quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm ra quyết định trợ cấp một lần.

* Trường hợp bà mẹ được phong tặng nhưng đã chết mà chưa được hưởng chế độ thì thực hiện trợ cấp một lần đối với đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng như trường hợp được truy tặng.

Câu hỏi 6. Thủ tục bổ sung tình hình thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ như thế nào?

Trả lời:  

Người đề nghị bổ sung tình hình thân nhân lập hồ sơ: Đơn và giấy tờ theo quy định gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.

+ Đối với đề nghị bổ sung tình hình thân nhân là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ: Sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, biên bản của gia đình hoặc họ tộc;

+ Đối với đề nghị bổ sung tình hình thân nhân là con liệt sĩ: Giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nuôi con nuôi.

+ Bản khai bổ sung tình hình thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ (Mẫu 5 theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH).

Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản khai và lập danh sách kèm các giấy tờ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ quy định gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra và bổ sung thông tin trong hồ sơ liệt sĩ.

Câu hỏi 7. Thủ tục cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ và hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ như thế nào?

Trả lời:

Người đi thăm viếng mộ liệt sĩ lập hồ sơ theo quy định, gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ.

+ Đơn đề nghị thăm viếng mộ liệt sĩ (mẫu số 11-MLS);

+ Bản sao giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ hoặc bản sao Bằng Tổ quốc ghi công;

+ Một trong các giấy tờ sau:

Giấy báo tin mộ liệt sĩ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc giấy xác nhận mộ liệt sĩ của cơ quan quản lý nghĩa trang liệt sĩ nơi an táng mộ liệt sĩ đối với trường hợp mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin;

Giấy xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với trường hợp chưa xác định được mộ cụ thể trong nghĩa trang liệt sĩ nhưng có tên trong danh sách quản lý của nghĩa trang;

Giấy báo tử ghi thông tin địa phương nơi liệt sĩ hy sinh hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử đối với trường hợp mộ liệt sĩ chưa quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra và cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ (mẫu số 03-GGT).

Trường hợp giấy tờ nộp không hợp lệ thì trong thời gian 03 ngày làm việc phải gửi văn bản trả lời nêu rõ lý do kèm toàn bộ giấy tờ đã nộp cho người đứng đơn để hoàn thiện theo quy định.

Nơi quản lý mộ hoặc nơi có thông tin hy sinh của liệt sĩ:

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ giấy giới thiệu có trách nhiệm xác nhận về việc thăm viếng mộ liệt sĩ.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ căn cứ vào xác nhận về việc thăm viếng mộ để thực hiện chi hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (không quá ba người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ theo quy định.

Câu hỏi 8. Thủ tục hỗ trợ người có công đi làm phương tiện, dụng cụ trợ giúp chỉnh hình; đi điều trị phục hồi chức năng?

Trả lời:  

Đối tượng khi đi làm phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, đi điều trị phục hồi chức năng  thì liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để được cấp giấy giới thiệu đến cơ sở cung cấp dụng cụ chỉnh hình hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng gần nhất (mẫu số 03-GGT).

Căn cứ xác nhận của cơ sở cung cấp dụng cụ chỉnh hình hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng vào giấy giới thiệu, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thanh toán tiền đi lại và tiền ăn cho đối tượng.

Câu hỏi 9. Thủ tục lập Sổ theo dõi và cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình?

Trả lời:  

Người được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình lập bộ hồ sơ theo quy định gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Trung tâm) đối với các trường hợp đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm các giấy tờ sau:

 Đơn đề nghị lập Sổ theo dõi cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (mẫu số 04-CSSK);

Giấy chỉ định của cơ sở y tế về việc sử dụng phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm: Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ quy định, có trách nhiệm lập danh sách cấp Sổ theo dõi (mẫu số 05-CSSK) kèm các giấy tờ liên quan gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

Trường hợp giấy tờ nộp không hợp lệ thì trong thời gian 03 ngày làm việc phải gửi văn bản trả lời nêu rõ lý do kèm toàn bộ giấy tờ đã nộp cho người đứng đơn để hoàn thiện theo quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày nhận được giấy tờ hợp lệ do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm chuyển đến, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, lập Sổ quản lý (mẫu số 06-CSSK); lập Sổ theo dõi (mẫu số 08-CSSK) của từng đối tượng và chuyển về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm để phát cho đối tượng.

Trường hợp giấy tờ nộp không hợp lệ thì trong thời gian 05 ngày làm việc phải gửi văn bản trả lời nêu rõ lý do kèm toàn bộ giấy tờ đã nộp cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm để hoàn thiện theo quy định.

Câu hỏi 10. Thủ tục hỗ trợ, di chuyển hài cốt liệt sĩ?

Trả lời:  

Thân nhân hoặc người thờ cúng liệt sĩ có nguyện vọng di chuyển hài cốt liệt sĩ lập bộ hồ sơ theo quy định gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ (mẫu số 12-MLS) có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú;

- Bản sao giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ hoặc bản sao Bằng "Tổ quốc ghi công".

- Một trong các giấy tờ sau: giấy báo tin mộ liệt sĩ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc giấy xác nhận mộ liệt sĩ của cơ quan quản lý nghĩa trang liệt sĩ nơi an táng mộ liệt sĩ.

Trường hợp người di chuyển hài cốt liệt sĩ không phải là thân nhân hoặc người thờ cúng liệt sĩ thì phải có thêm giấy ủy quyền của thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ.

Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 01 ngày làm việc có trách nhiệm xác nhận vào đơn đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn di chuyển hài cốt liệt sĩ có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ (mẫu số 03-GGT).

Trường hợp giấy tờ nộp không hợp lệ thì trong thời gian 03 ngày làm việc phải gửi văn bản trả lời nêu rõ lý do kèm toàn bộ giấy tờ đã nộp cho người đứng đơn để hoàn thiện theo quy định.

* Nơi quản lý mộ liệt sĩ:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ các giấy tờ theo quy định để giải quyết việc di chuyển hài cốt liệt sĩ;

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: Phối hợp với Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã (trường hợp không có Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ) lập biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ (mẫu số 13-MLS); Lưu giấy đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ, biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ; Lập Phiếu báo di chuyển hài cốt liệt sĩ (mẫu số 14-MLS) để gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ và nơi an táng hài cốt liệt sĩ (đối với trường hợp hài cốt liệt sĩ sau di chuyển không an táng tại địa phương đang quản lý hồ sơ gốc) kèm theo biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ.

Kiểm tra thủ tục, căn cứ giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ và văn bản của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giải quyết di chuyển hài cốt liệt sĩ thực hiện chi hỗ trợ theo quy định  cho thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ theo quy định.

* Nơi đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ:

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Tổ chức lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ; Xác nhận việc an táng mộ liệt sĩ do gia đình quản lý theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ (mẫu số 15-MLS).

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lưu Phiếu báo di chuyển hài cốt liệt sĩ do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý mộ chuyển đến trong hồ sơ quản lý mộ liệt sĩ.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ căn cứ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc an táng mộ liệt sĩ tại nghĩa trang dòng họ do gia đình quản lý thực hiện chi hỗ trợ theo quy cho thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ theo quy định.

Câu hỏi 11. Hồ sơ đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập gồm những thủ tục nào?

 Trả lời:

Hồ sơ đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập gồm:

- Tờ khai đăng ký thành lập theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP.

- Phương án thành lập cơ sở.

- Dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở theo Mẫu số 03b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP.

- Bản sao có chứng thực đối với giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc hợp đồng cho thuê, mượn đất đai, cơ sở vật chất và tài sản gắn liền với đất phục vụ cho hoạt động của cơ sở.

- Phiếu lý lịch tư pháp của các sáng lập viên.

- Bản sao các giấy tờ sau:

+ Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân. Đối với sáng lập viên là cá nhân nước ngoài, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên;

+ Quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức. Đối với sáng lập viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

Câu hỏi 12. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập?

Trả lời:

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi liên tỉnh hoặc liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố, có trụ sở chính đặt tại địa phương.

Câu hỏi 13. Thời hạn làm hồ sơ đưa đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở bảo trợ xã hội là bao nhiêu ngày?

Trả lời:

Trong thời hạn 32 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Câu hỏi 14. Đối với các đối tượng bảo vệ khẩn cấp quy trình đưa đối tượng vào cơ sở như thế nào?

Trả lời:

* Cơ sở có trách nhiệm tiếp nhận ngay các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp để chăm sóc, nuôi dưỡng và hoàn thiện các thủ tục theo quy trình sau:

- Bước 1. Lập biên bản tiếp nhận có chữ ký của cá nhân hoặc đại diện cơ quan, đơn vị phát hiện ra đối tượng (nếu có), chính quyền (hoặc công an) cấp xã, đại diện cơ sở. Đối với đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán và nạn nhân bị cưỡng bức lao động, biên bản tiếp nhận có chữ ký của đối tượng (nếu có thể).

- Bước 2. Đánh giá về mức độ tổn thương, khả năng phục hồi và nhu cầu trợ giúp của đối tượng để có kế hoạch trợ giúp đối tượng.

- Bước 3. Bảo đảm an toàn và chữa trị những tổn thương về thân thể hoặc tinh thần cho đối tượng kịp thời; đối với trẻ em bị bỏ rơi, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 25 ngày làm việc.

- Bước 4. Quyết định trợ giúp đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc chuyển đối tượng về gia đình, cộng đồng.

- Bước 5. Hoàn thành các thủ tục, hồ sơ của đối tượng theo quy định, Trường hợp là trẻ em bị bỏ rơi, cơ sở thực hiện các thủ tục khai sinh cho trẻ theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Câu hỏi 15. Giải thể cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập thuộc thẩm quyền thành lập của Sở LĐTBXH gồm những hồ sơ nào:

Trả lời:

Thành phần hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị giải thể cơ sở của tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập cơ sở, trong đó có nêu rõ lý do đề nghị giải thể theo Mẫu số 04b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP.

- Bản kê khai tài sản, tài chính và phương án xử lý.

- Danh sách đối tượng và phương án giải quyết khi cơ sở giải thể.

- Các tài liệu liên quan khác (nếu có).

- Kiến nghị giải thể cơ sở của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

Câu hỏi 16. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố cần có những thành phần hồ sơ nào?

Trả lời:

Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố cần có những thành phần hồ sơ sau:

- Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập và tư thục:

+ Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

+ Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và kèm theo các giấy tờ chứng minh.

- Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp có vốn đầu tư nước ngoài, hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp được làm bằng tiếng Việt hoặc tiếng Việt và tiếng Anh, bao gồm:

+ Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).

+Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và kèm theo các giấy tờ chứng minh.

- Đối với doanh nghiệp:

+ Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

+ Bản sao quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).

+ Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và kèm theo các giấy tờ chứng minh.

+ Bản sao điều lệ hoặc quy chế tổ chức, hoạt động.

Câu hỏi 17. Những trường hợp nào cần đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp?

Trả lời:

Những trường hợp cần đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

- Trường hợp (i) Tăng quy mô tuyển sinh của từng ngành, nghề đào tạo vượt từ 10% trở lên so với quy mô tuyển sinh/năm được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; (ii) Bổ sung ngành, nghề đào tạo (mở ngành, nghề đào tạo mới); (iii) Bổ sung hoặc thay đổi trình độ đào tạo hoặc điều chỉnh quy mô tuyển sinh giữa các trình độ đào tạo và giữa các ngành, nghề trong cùng nhóm ngành, nghề; (iv) Chia, tách, sáp nhập hoặc có sự thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có liên quan đến nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

- Trường hợp (i) Chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo đến nơi khác, mà trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo là nơi trực tiếp tổ chức đào tạo; (ii) Thành lập phân hiệu mới có tổ chức hoạt động đào tạo; (iii) Mở thêm địa điểm đào tạo mới hoặc liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức hoạt động đào tạo ngoài trụ sở chính hoặc phân hiệu.

- Trường hợp đổi tên doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Trường hợp thôi tuyển sinh hoặc giảm quy mô tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo đã được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp./.

Câu hỏi 18. Thủ tục đổi tên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp công lập trực thuộc tỉnh, thành phố và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp tư thục trên địa bàn tỉnh, thành phố thực hiện theo những bước nào?

Trả lời:          

* Bước 1: Nộp hồ sơ:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Long An (Tầng 2- Khối nhà cơ quan 4, Khu Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh, đường Song hành, Quốc lộ tránh 1A, Phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An).

+ Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại trung tâm:

. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì công chức tiếp nhận ghi biên nhận hồ sơ, hẹn ngày trả kết quả cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì không tiếp nhận và hướng dẫn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

+ Trường hợp nộp qua đường bưu điện:

. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì công chức tiếp nhận ghi biên nhận hồ sơ, hẹn ngày trả kết quả gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân qua đường bưu điện.

. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì công chức tiếp nhận gửi thông báo qua đường bưu điện yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

- Chuyển hồ sơ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xử lý.

* Bước 2: Xử lý hồ sơ:

-  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét tính pháp lý của hồ sơ.

- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản thông báo chuyển đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi lại hồ sơ đã hoàn thiện đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An để chuyển Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.

* Bước 3: Phê quyệt quyết định:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị đổi tên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đổi tên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp.

* Bước 3: Chuyển kết quả giải quyết thủ tục hành chính:

 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển kết quả đã giải quyết đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An để trả kết quả cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

* Bước 4: Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính:

- Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân để nhận kết quả và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan (nếu có).

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân mang theo biên nhận đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An để được hướng dẫn thực hiện các nghĩa vụ có liên quan (nếu có) và nhận kết quả.

Câu hỏi 19. Thành lập phân hiệu của Trường trung cấp công lập thuộc tỉnh, thành phố và phân hiệu của Trường trung cấp tư thục trên địa bàn tỉnh, thành phố cần có những hồ sơ gì:

Trả lời:

- Văn bản đề nghị thành lập phân hiệu của cơ quan chủ quản đối với Trường trung cấp công lập; văn bản đề nghị cho phép thành lập của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân đối với Trường trung cấp tư thục .

- Đề án thành lập phân hiệu Trường trung cấp.

- Dự thảo quy hoạch tổng thể mặt bằng và thiết kế sơ bộ các công trình kiến trúc xây dựng, bảo đảm phù hợp với ngành, nghề, quy mô, trình độ đào tạo và tiêu chuẩn diện tích sử dụng, diện tích xây dựng cho hoạt động học tập và giảng dạy.

- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc văn bản chấp thuận giao đất, cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất và thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định của pháp luật và các giấy tờ pháp lý liên quan còn thời hạn ít nhất là 05 năm kể từ ngày gửi hồ sơ.

- Đối với Trường trung cấp tư thục, ngoài các hồ sơ trên cần phải bổ sung:

+ Văn bản xác nhận khả năng tài chính để đầu tư xây dựng phân hiệu của Trường trung cấp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

+ Giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu về tài sản là vốn góp của cá nhân đề nghị thành lập Trường trung cấp.

- Đối với Trường trung cấp tư thục có từ 02 thành viên góp vốn trở lên, ngoài các hồ sơ trên cần phải bổ sung:

 + Biên bản cử người đại diện đứng tên thành lập Trường trung cấp của các thành viên góp vốn.

 + Danh sách trích ngang các thành viên Ban sáng lập.

 + Danh sách, hình thức và biên bản góp vốn của các thành viên cam kết góp vốn thành lập.

Lưu ý: Trường hợp tổ chức, cá nhân ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thì kèm theo:

+ Hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả hoặc;

+ Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 20. Giải thể Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp công lập trực thuộc tỉnh, thành phố và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp tư thục trên địa bàn tỉnh, thành phố cần có những hỗ sơ gì?

Trả lời:

Thành phần hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản hoặc tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó nêu rõ lý do giải thể và phương án giải thể. Phương án giải thể bao gồm: Phương án giải quyết tài sản; phương án bảo đảm quyền lợi của người học, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động và thực hiện nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Trường hợp tổ chức, cá nhân ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thì kèm theo:

+ Hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả hoặc;

+ Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 21. Muốn Chấm dứt hoạt động phân hiệu của Trường trung cấp công lập trực thuộc tỉnh, thành phố và phân hiệu của Trường trung cấp tư thục trên địa bàn cần thực hiện các bước gì?

Trả lời:

* Bước 1: Nộp hồ sơ:

- Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An (địa chỉ: số 1, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 1, thành phố Tân An, tỉnh Long An).

+ Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm:

. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì công chức tiếp nhận ghi biên nhận hồ sơ, hẹn ngày trả kết quả cho tổ chức, cá nhân.

. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì không tiếp nhận và hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

+ Trường hợp nộp qua đường bưu điện:

. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì công chức tiếp nhận ghi biên nhận hồ sơ, hẹn ngày trả kết quả gửi cho tổ chức, cá nhân qua đường bưu điện.

. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì công chức tiếp nhận gửi thông báo qua đường bưu điện yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

- Chuyển hồ sơ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xử lý.

* Bước 2: Thẩm định hồ sơ:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định hồ sơ chấm dứt hoạt động phân hiệu của Trường trung cấp công lập và tư thục trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phân hiệu của Trường trung cấp tư thục trên địa bàn. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo nêu rõ lý do và chuyển đến Trung tâm Phục vụ hành chính tỉnh gửi đến cá nhân, tổ chức.

* Bước 3: Phê quyệt quyết định:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chấm dứt hoạt động phân hiệu của Trường trung cấp công lập trực thuộc tỉnh, thành phố và phân hiệu của Trường trung cấp tư thục trên địa bàn.

* Bước 4: Chuyển kết quả giải quyết thủ tục hành chính:

 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển kết quả đã giải quyết đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An để trả kết quả cho tổ chức, cá nhân.

* Bước 5: Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính:

- Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An thông báo cho tổ chức, cá nhân để nhận kết quả và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan (nếu có).

- Tổ chức, cá nhân mang theo biên nhận đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An để được hướng dẫn thực hiện các nghĩa vụ có liên quan (nếu có) và nhận kết quả.

Câu hỏi 22. Đổi tên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp công lập trực thuộc tỉnh, thành phố và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp tư thục trên địa bàn tỉnh, thành phố cần có những hồ sơ gì?

Trả lời:

Thành phần hồ sơ:

Văn bản của cơ quan chủ quản, hoặc văn bản của tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc đại diện hợp pháp của những người góp vốn thành lập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp trong đó nêu rõ lý do của việc đổi tên; tên của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp sau khi thay đổi.

Lưu ý: Trường hợp tổ chức, cá nhân ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thì kèm theo:

+ Hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả hoặc;

+ Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 23. Những người nào được nộp hồ sơ đề nghị công nhận giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục?

Trả lời:

Tổ chức hoặc những người góp vốn thành lập trung tâm hoặc cá nhân là chủ sở hữu trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục.

Câu hỏi 24. Cơ quan nào có thẩm quyền  quyết định công nhận giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục?

Trả lời

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Câu hỏi 25. Thời hạn tối thiểu Doanh nghiệp gửi báo cáo giải trình về nhu cầu lao động người nước ngoài và gửi ở đâu?

Trả lời:

Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến làm việc cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp gửi báo cáo về nhu cầu LĐNN trước và gửi về Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Câu hỏi 26. Trình tự cấp giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài?

Trả lời:

Trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Doanh nghiệp phải nộp hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Trong thời hạn 05 làm việc, kể từ ngày Trung tâm phục vụ hành chính công tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động – TBXH phải cấp GPLĐ cho lao động người nước ngoài. Trường hợp không cấp GPLĐ phải nêu rõ lý do bằng văn bản

Câu hỏi 27. Trình tự cấp lại giấy phép lao động người nước ngoài?

Trả lời:

Trước ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày GPLĐ hết hạn, Doanh nghiệp phải nộp hồ sơ cấp lại GPLĐ tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Trong thời hạn 03 làm việc, kể từ ngày Trung tâm phục vụ hành chính công tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động – TBXH phải cấp lại GPLĐ cho lao động người nước ngoài. Trường hợp không cấp GPLĐ phải nêu rõ lý do bằng văn bản

Câu hỏi 28. Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân gồm những gì? Và mấy bộ?

Trả lời:

Thành phần, số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân:

- Đơn đề nghị gia hạn Giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 35/2013/TT-BLĐTBXH;

- Báo cáo về tình hình hỗ trợ nạn nhân của cơ sở tính đến thời điểm đề nghị gia hạn và phương hướng hoạt động tiếp theo của cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư số 35/2013/TT-BLĐTBXH;

- Bản gốc Giấy phép thành lập đã được cấp.

* Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.

Câu hỏi 29. Thời hạn giải quyết sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân?

 Trả lời:  

Thời hạn giải quyết sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Câu hỏi 30. Đăng ký nội quy lao động của các doanh nghiệp gồm những thành phần hồ sơ gì, cách thức nộp và nộp ở đâu?

Trả lời:  

* Thành phần hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;

- Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất;

- Biên bản góp ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

- Nội quy lao động.

* Cách thức nộp và nộp ở đâu

Doanh nghiệp nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến đến Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Long An (Tầng 2- Khối nhà cơ quan 4, Khu Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh, đường Song hành, Quốc lộ tránh 1A, Phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An).

THÔNG BÁO MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1